Hoàng hậu nhà Đường Võ_Tắc_Thiên

Giành lấy quyền lực

Năm Vĩnh Huy thứ 6 (655), ngày 13 tháng 10 (tức ngày 27 tháng 11 dương lịch), Đường Cao Tông lấy tội danh [Âm mưu hạ độc; 阴谋下毒], ra chỉ phế truất Hoàng hậu Vương thị, Tiêu Thục phi làm thứ nhân và giam vào Biệt viện, đày gia tộc đến Lĩnh Nam.

Sau đó 7 ngày, tức ngày 20 tháng 10 (âm lịch), Đường Cao Tông lần nữa hạ chiếu đem lập Võ Chiêu nghi làm Hoàng hậu. Từ khi bị phế, Tiêu thị và Vương thị bị giam ở biệt viện, Cao Tông chưa dứt hẳn tình, nhiều lần đến thăm. Tiêu phế phi nhân đó khóc lóc xin Cao Tông thương tình. Võ hậu tức giận, sai chặt hết tay chân hai người, đem đi ngâm giấm. Sau này Võ hậu bị ám ảnh bởi cái chết của Tiêu phế phi, thường gặp ác mộng. Thời gian về sau bà cùng Cao Tông thường di giá đến Lạc Dương và ở đó rất lâu[34][35].

Đầu năm Hiện Khánh nguyên niên (656), Hoàng thái tử Lý Trung bị phế truất. Trước đó, đại thần Hứa Kính Tông dâng sớ xin thay luôn ngôi Hoàng thái tử, phế Lý Trung mà lập con trai cả của Võ Hoàng hậu là Lý Hoằng. Vì lý do này, Đường Cao Tông ép Thái tử viết biểu nhường ngôi, Thái tử bất đắc dĩ phải nghe theo. Tháng 2 năm ấy, Cao Tông lập Đại vương Lý Hoằng làm Hoàng thái tử, giáng Thái tử Lý Trung làm Lương vương (梁王), cho nhậm lĩnh Đô đốc Lương châu, như thông lệ của tất cả các Phiên vương nhà Đường.

Từ năm Hiện Khánh thứ 2 (657), Võ hậu cùng phe đảng tìm cách trả thù những người không ủng hộ mình, ban đầu là Chử Toại LươngHàn Viện. Cùng năm ấy, Đường Cao Tông hạ chỉ giáng Chử Toại Lương làm Đô đốc Đàm Châu[36][37]. Cuối cùng, Chử Toại Lương bị biếm đến Quế Châu rồi Ái Châu, An Nam, cuối cùng uất ức mà chết vào tháng 10 (ÂL) sang năm, tức năm 658 công lịch. Vào năm Hiện Khánh thứ 4 (659), Võ hậu giật dây cho Hứa Kính Tông và Lý Nghĩa Phủ hãm hại Trưởng Tôn Vô Kỵ cùng các thế lực chống đối khác dứt điểm. Lúc đó, có người tố cáo hai viên quan là Vi Quý Phương (韋季方) và Lý Sào (李巢) mưu làm việc trái phép, Đường Cao Tông giao cho Hứa Kính Tông điều tra. Kính Tông dụ dỗ Quý Phương khai rằng Triệu Quốc công Trưởng Tôn Vô Kỵ có thông đồng với mình. Cao Tông bất ngờ về việc này, lại sai Kính Tông đưa Vô Kị ra tra xét. Cuối cùng, Vô Kị bị bãi bỏ phong ấp và chức Thái úy, giáng làm Dương Châu Đô đốc, đày đến Kiềm Châu[38]. Hứa Kính Tông nhân đó tố cáo Chử Toại Lương cùng Hàn Viện và Liễu Thích. Viện và Thích bị bãi chức, còn Chử Toại Lương tuy đã chết cũng bị trừ quan tước. Cuối cùng, Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng bị bức tử trong năm đó[39]. Kết cuộc của Hàn Viện cũng không khá hơn, sau khi bị đoạt chức tước thì ông bị biếm làm Thứ sử Ái Châu. Những người khác như Vu Chí Ninh (于志寧) và Lai Tế (來濟), khi trước cũng thuộc phe Cựu thần phản đối lập Võ thị, nay cũng đều bị điều đi khỏi kinh sư.

Đến tận đây, Đường Cao Tông Lý Trị mới bắt đầu công cuộc "quân chủ tập quyền", nắm được quyền lực tuyệt đối cho các Hoàng đế nhà Đường. Từ khi Tào Ngụynhà Tấn đến khi sự kiện ["Phế Vương lập Hậu"] diễn ra, quân chủ Trung Quốc chịu thời gian dài bị tầng lớp quan lại kiềm chế. Nhờ sự kiện này, chính quyền quân chủ một lần nữa được cải thiện, đối với cục diện lịch sử về sau cũng ảnh hưởng rất lớn.

Tranh chấp gia tộc

Trước kia, Võ Sĩ Hoạch lấy vợ cả là Tương Lý thị, sinh hai con trai Nguyên Sảng, Nguyên Khánh; sau lại lấy Dương thị sinh ba con gái: người con đầu là Võ Thuận lấy Hạ Lan An Thạch (賀蘭安石), thứ hai là Võ hậu, người thứ ba lấy Quách Hiếu Thân (郭孝慎) và mất sớm. Sĩ Hoạch chết, Nguyên Sảng, Nguyên Khánh cùng con người anh Sĩ Hoạch là Võ Duy Lương (武惟良), Võ Hoài Vận (武懷運) tỏ ra bất kính với Dương thị nên bị bà ta ghét. Khi đó, An Thạch và Hiếu Thận cũng đã chết, vợ An Thạch sinh ra Hạ Lan Mẫn Chi (賀蘭敏之) và một người con gái. Võ hậu từ khi được lập, Dương thị trở thành "Vinh Quốc phu nhân" (榮國夫人); vợ An Thạch là Võ Thuận làm "Hàn Quốc phu nhân" (韓國夫人), bọn Nguyên Sảng đều được phong chức vị cao. Vào một hôm, Vinh Quốc phu nhân bày tiệc rượu trong gia đình, bọn Duy Lương tỏ thái độ bất mãn, phu nhân rất giận[40]. Võ hậu biết chuyện, liền đày bọn Duy Lương làm Thứ sử các Châu xa. Nguyên Khánh, Nguyên Sảng lo buồn mà chết.

Gia tộc hiển quý, Hàn Quốc phu nhân Võ Thuận và con gái Hạ Lan thị thường ra vào cung, có tin đồn cả hai là tình nhân của Cao Tông. Khi Hàn Quốc phu nhân đột ngột qua đời, Cao Tông phong cho con gái Võ thị là Hạ Lan thị làm "Ngụy Quốc phu nhân" (魏國夫人), lại muốn nạp vào cung để tư thông. Võ hậu nảy sinh ghen tuông, tỏ ra không bằng lòng. Khi bọn Duy Lương, Hoài Vận về kinh và dâng đồ ăn, Võ hậu bí mật bỏ độc vào đó và đem đến cho Ngụy Quốc, khiến Hạ Lan thị bị trúng độc mà chết. Sau đó, Võ hậu quy tội cho Duy Lương, Hoài Vận và giết hết đi[40]. Khi mẹ Võ hậu là Dương phu nhân qua đời, Võ hậu bắt tất cả đại thần phải đến đưa tang và khóc tang. Cuối năm này, trong nước hạn hán, Võ hậu dâng sớ nói việc đó là do mình, xin từ bỏ ngôi vị, Cao Tông không chấp nhận. Sau đó, Võ hậu xin biểu truy phong Võ Sĩ Hoạch, vốn là "Chu Định công", nay trở thành Thái Nguyên Quận vương (太原郡王), Dương thị là Thái Nguyên Quận vương phi (太原郡王妃)[40].

Con trai Hàn Quốc phu nhân là Hạ Lan Mẫn Chi, vốn được cải họ Võ làm kế tự cho Võ Sĩ Hoạch, nên được kế tập tước "Chu Quốc công" (周國公) từ trước. Sau khi mẹ và em gái chết, Mẫn Chi ngày càng trở nên phóng túng, Võ hậu sinh lòng chán ghét. Mẫn Chi cư nhiên tư thông với con gái Dương Tư Kiệm (杨思俭) - vốn đang chờ tuyển làm Thái tử phi cho Thái tử Lý Hoằng. Biết tin, Võ hậu tức giận mà đem Mẫn Chi đày đi Lôi Châu, đổi sang họ cũ là họ Hạ Lan, tước đi tước hiệu Chu Quốc công. Con trai Võ Nguyên Sảng là Võ Thừa Tự (武承嗣) được triệu về kinh kế thừa tước "Chu Quốc công" thay thế Mẫn Chi[41].

Nhị Thánh lâm triều

Năm Hiện Khánh thứ 5 (660), Võ hậu cùng với Cao Tông đi tuần du vùng quê nhà là Bân Châu[42]. Bà tổ chức yến tiệc thật lớn, mời hàng xóm và thân tộc đến dự[33]. Cuối năm này, Đường Cao Tông phát chứng đau đầu, sức khỏe suy yếu nghiêm trọng, có lời đồn việc đó là do Võ hậu ngầm bỏ thuốc độc bộc phát chậm vào đồ ăn của ông.

Nhân việc này, Võ hậu can dự vào triều chính, quyết định nhiều việc trong triều, bắt đầu lấn át Cao Tông. Sử sách ghi nhận bà tinh thông văn sử, giải quyết công việc hiệu quả nhanh gọn; quyền lực của Cao Tông từ đây bị thu hẹp. Việc Võ hậu can thiệp vào công việc triều chính quá nhiều khiến Đường Cao Tông không hài lòng, dần dần giữa hai người xuất hiện mâu thuẫn. Bởi vì khi trước Võ hậu luôn nhu thuận, làm đúng ý niệm của Cao Tông, cho nên Cao Tông luôn muốn lập bà làm Hậu để chứng tỏ quyền hạn của mình. Đến đây khi Võ hậu bộc lộ rõ khả năng của mình, đối với Đường Cao Tông hẳn nhiên là cảm giác không hài lòng.

Năm Lân Đức nguyên niên (664), đạo sĩ Quách Hành Chân (郭行真) thường ra vào cung cấm làm tà thuật. Đường Cao Tông biết việc này là do Võ hậu chủ mưu nên rất tức giận, triệu đại thần Thị lang Thượng Quan Nghi (上官儀) vào cung. Nghi tâu rằng: ["Hoàng hậu chuyên quyền, không giữ đạo làm vợ, cần phải phế đi"]. Cao Tông chấp thuận, lệnh cho Nghi tìm cơ hội mà ra tay. Có quan viên hầu trực đem chuyện này tố cáo với Võ hậu, bà bèn đến chỗ Cao Tông kêu khóc thảm thiết. Cao Tông không biết trả lời ra sao, bèn đổ hết mọi chuyện cho Thượng Quan Nghi. Tháng 12 năm đó, Võ hậu sai Hứa Kính Tông tố cáo Thượng Quan Nghi và Phế Thái tử Lương vương Lý Trung phản nghịch, bắt Nghi hạ ngục rồi ban rượu độc cho Lương vương Lý Trung. Sang đầu năm sau (665), mùa xuân, Thượng Quan Nghi và con là Thượng Quan Đình Chi (上官庭芝) bị chém đầu. Tuy nhiên, sau này Võ hậu trọng dụng cháu của Nghi là Thượng Quan Uyển Nhi, vời vào cung cho làm chức Nữ quan thân cận[43]. Từ đây mỗi khi Cao Tông thiết triều, Võ hậu đều ở bên cạnh cùng tham dự. Thời Đường hay xưng Thiên tử là ["Thánh nhân"; 聖人][44], nên khi Võ hậu cũng cùng Cao Tông lâm triều, tự nhiên có tới 2 Thánh nhân. Do đó, lịch sử gọi giai đoạn này là [Nhị Thánh lâm triều; 二聖臨朝][40][40][45][46].

Từ khi nắm chính quyền, triều đình Cao Tông dưới bàn tay của Võ hậu ngày càng hưng thịnh. Do đó, bà tích cực khuyên ông tiến hành khuếch trương thế lực cùng địa vị của hai người bằng cách tiến hành đại lễ [Phong thiện; 封禅] ở núi Thái Sơn. Cái gọi là "phong thiện", là một loại đại lễ cổ đại, xảy ra vào lúc thái bình thịnh thế, các Thiên tử vì muốn chứng tỏ quyền uy mà tiến hành các loạt lễ tế cáo Trời và Đất - hai nhân tố tối cao trong văn hóa Trung Hoa. Theo quy tắc, Thiên tử sẽ tế [Sơ hiến; 初献], còn Công khanh là [Á hiến; 亚献], nhưng Võ hậu vì thấy lý do Thiên tử biểu thị Hoàng Thiên, còn Hậu vị biểu thị Hậu Thổ, do đó muốn tự mình đảm nhận vị trí "Á hiến" sau Cao Tông. Ý kiến này của bà nhanh chóng được Cao Tông đồng thuận. Vì thế vào năm Lân Đức thứ 2 (665), tháng 10, Đường Cao Tông dẫn suất Văn võ bá quan, còn Võ hậu suất dẫn Mệnh phụ, đồng thời từ Đông Đô Lạc Dương xuất phát đến Thái Sơn. Đi cùng đến dự có các đặc sứ Đột Quyết, Nhật Bản, Ba Tư,... để chứng kiến đại lễ vinh hiển này của vợ chồng Đế-Hậu[47].

Tôn xưng Thiên Hậu

Năm Thượng Nguyên nguyên niên (674), tháng 8, Đường Cao Tông đổi xưng là Thiên Hoàng (天皇), gọi Võ hậu là Thiên Hậu (天后)[41]. Thiên Hậu dâng lên Thiên Hoàng một danh sách gồm 12 điều để trị quốc, được gọi là [Kiến ngôn thập nhị sự; 建言十二事], tất cả đều được Thiên Hoàng thông qua. Do tư liệu thiếu khuyết, không có bất kỳ thông tin nào về sự hiệu quả của 12 điều này. Nội dung đại khái:

  1. Đẩy mạnh việc làm ruộng, chăn tằm, giảm bớt khó nhọc cho trăm họ.
  2. Bỏ thuế cho các trấn miền bắc.
  3. Phục hồi đạo đức chung sống hòa bình.
  4. Không được xa xỉ lãng phí.
  5. Bớt lấy lính.
  6. Cho phép trình bày ý kiến nguyện vọng riêng.
  7. Loại bỏ quan lại tham nhũng và những kẻ chỉ biết làm theo lệnh trên một cách nịnh bợ ngu dốt.
  8. Mọi con cháu họ Lý và trăm quan phải học tập "Đạo Đức kinh"(nhà Đường coi Lý Nhĩ (Lão Tử) là Tổ Xa).
  9. Để tang bố mẹ thời gian như nhau (cùng ba năm).
  10. Quan lại về hưu được giữ nguyên phẩm hàm.
  11. Tăng lương cho quan lại từ bát phẩm trở lên.
  12. Những quan lại lâu năm được xét thăng trật, bổng nếu có công trạng.

Sang năm sau (675), Thiên Hoàng bị bệnh đau đầu rất nặng. Do ông không thể quản lý triều chính, liền cùng các đại thần thương nghị, thảo luận việc cho phép Thiên Hậu tiến hành nhiếp chính. Các đại thần là Tể tướng Hác Xử Tuấn (郝處俊) và đồng liêu Lý Nghĩa Diễm (李義琰) can ngăn, việc bèn thôi. Khi Thiên Hậu biết chuyện, liền triệu tập rất nhiều văn nhân học sĩ, soạn nhiều sách cổ như Liệt nữ truyện, Hiếu tử truyện (孝子傳),... rồi mật lệnh các Học giả này dâng sớ tham quyết triều đình, làm cho quyền lực Tể tướng bị ảnh hưởng. Đó gọi là [Bắc Môn học sĩ; 北門學士].

Thay ngôi Thái tử

Thiên Hoàng sức khỏe ngày càng suy yếu, có ý nhường ngôi cho Thái tử Lý Hoằng, nhưng Thiên Hậu không đồng tình. Về phần mình, Thái tử không hài lòng việc Thiên Hậu nắm quyền, muốn đoạt lại quyền lực. Lúc nhỏ, thái tử chơi thân với hai con gái của Tiêu thục phi là Tuyên Thành công chúaNghĩa Dương công chúa; nay thấy họ bị Thiên Hậu giam lỏng trong Dịch Đình, liền xin Thiên Hoàng thả ra và cho lấy chồng. Thiên Hậu do vậy sinh oán.

Năm Thượng Nguyên thứ 2 (675), Thái tử cùng Thiên Hoàng và Thiên Hậu dự yến ở Hợp Bích cung thì đột ngột qua đời, chỉ mới 28 tuổi. Trong triều có lời đồn cái chết này là do Thiên Hậu hạ độc. Thiên Hoàng quá đau lòng vì cái chết của con trai, bèn truy tặng làm "Hiếu Kính hoàng đế" (孝敬皇帝). Sau đó, Thiên Hoàng ra chỉ Lập Hoàng lục tử là Ung vương Lý Hiền làm Thái tử[41]. Theo Tư trị thông giám, Ung vương Lý Hiền là con của Hàn Quốc phu nhân Võ Thuận, tức chị ruột của Thiên Hậu. Khi Lý Hiền còn chưa biết đi thì Hàn Quốc phu nhân chết, nên Thiên Hậu nhận nuôi[41]. Thái tử Lý Hiền tuy là người hiền minh nhưng có nhiều việc làm trái khuấy nên không được lòng Thiên Hậu. Khi ấy, trong cung có lời đồn đãi Thái tử vốn do Hàn Quốc phu nhân sinh ra, Thái tử Hiền biết chuyện này trong lòng cảm thấy bất an, thái độ tỏ ra ngoài nét mặt. Thiên Hậu nghe vậy càng ghét hơn. Đạo sĩ Minh Sùng Nghiễm (明崇儼) được Thiên Hoàng và Thiên Hậu coi trọng, thường gièm pha với bà: ["Thái tử không thể thừa kế được, Anh vương (Lý Triết) có dung mạo giống Thái Tông"]; Lại nói: ["Tương vương (Lý Đán) về sau sẽ đại quý"]. Khi Lý Hiền lên ngôi Thái tử, Thiên Hậu cho soạn Thiếu Dương chánh phạm (少陽政範) và Hiếu tử truyện ban cho ông, lại nhiều lần quở trách ông ta vô cớ, nên Thái tử khi ấy trong lòng luôn rất bất an.

Năm Điều Lộ thứ 2 (680), Minh Sùng Nghiễm bị cuồng bạo đánh giết, Thiên Hậu nghi ngờ là do Thái tử Hiền làm, nên càng ghét hơn. Không lâu sau, các phe cảnh Tiết Nguyên Siêu (薛元超), Bùi Viêm (裴炎), Cao Trí Chu (高智周) với sự giật dây của Thiên Hậu đã tố cáo Thái tử Hiền mưu đồ bất chính. Thiên Hoàng sai điều tra, lục soát được trong phủ Thái tử nhiều đồ binh khí. Khi biết được, Thiên Hoàng không nỡ trị tội thế nhưng Thiên Hậu nói: "Là con dân mà mưu nghịch, thiên địa bất dung; nay đại nghĩa diệt thân, có thể nào xá được ?". Thiên Hậu liền hạ lệnh phế Thái tử, đày ra Ba Thục[48].

Sau đó, Thiên Hậu lập tức chọn lập Anh vương Lý Triết làm Thái tử thay thế, đổi tên thành Lý Hiển[49]. Khi còn là Chu vương, Lý Hiển kết hôn với Triệu thị, con gái Thường Lạc công chúa (常樂公主) - cô của Thiên Hoàng, đồng thời là con gái út của Đường Cao Tổ Lý Uyên, so với Lý Hiển thì Triệu thị là biểu cô. Thiên Hoàng rất tán thành cuộc hôn nhân này, song Thiên Hậu không ưa con gái nhà họ Triệu. Vào một dịp, Triệu thị do đắc tội với Thiên Hậu, liền bị giam lỏng trong Nội thị tỉnh, chỉ được đưa rau, thịt sống cho tự nấu ăn. Dần dần Triệu thị chết đói, Thiên Hậu bèn đày cha Triệu thị là Triệu Côi (趙瑰) cùng Thường Lạc công chúa ra đến Hoạt Châu[50][51].

Liên quan